Ngày 5 và 6/4/2022, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn Hướng dẫn sử dụng phần mềm Trợ lý ảo. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu trong hệ thống Tòa án, với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu tại 63 tỉnh/thành phố.
Hội nghị được tổ chức với mục đích đưa Trợ lý ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho Thẩm phán tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo; góp phần bảo đảm việc áp dụng đúng, thống nhất pháp luật. Từ đó giúp cho phần mềm Trợ lý ảo ngày càng thông minh hơn thông qua quá trình sử dụng, đóng góp ý kiến của các Thẩm phán Tòa án.
Hệ thống phần mềm Trợ lý ảo được Tòa án nhân dân tối cao phối hợp cùng Tập đoàn Viettel phát triển nhằm mục tiêu thực hiện số hóa các tri thức, kinh nghiệm xử án của các thế hệ thẩm phán giỏi, giàu kinh nghiệm; tạo ra Thư ký ảo trực tuyến 24/7, hỗ trợ các thẩm phán trong quá trình nghiên cứu, phân tích, giải quyết vụ án.
Hiện tại, phần mềm đã hoàn thiện giai đoạn 1 và sẵn sàng đưa vào sử dụng trên toàn hệ thống Tòa án. Hệ thống có khả năng thực hiện các yêu cầu tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng dựa trên câu hỏi, khẩu lệnh của thẩm phán nhằm hỗ trợ công tác tra cứu và ra quyết định chính xác, rút ngắn thời gian xử lý vụ việc. Hơn 100 thẩm phán, chuyên gia đã tham gia vào quá trình thẩm định nội dung, thông minh hóa hệ thống thông qua công nghệ AI.
Tại hội nghị, các thẩm phán được hướng dẫn cài đặt và sử dụng, thực hành sử dụng phần mềm Trợ lý ảo trên máy tính bảng và điện thoại thông minh. Ngoài ra, các thẩm phán có thể chủ động cập nhật, đóng góp thêm nội dung câu hỏi – trả lời trên phần mềm để “thông minh hóa” hệ thống, cập nhật và tích hợp các nguồn thông tin tham khảo cho phần mềm.
Phần mềm Trợ lý ảo do Viettel phát triển được xem như một cánh tay đắc lực, hỗ trợ cán bộ cán bộ hành chính tư pháp Tòa án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp; cung cấp dịch vụ chỉ dẫn pháp luật và đoán định tư pháp cho người dân trong tương lai như có thể trả lời về tội danh hoặc dạng tranh chấp dân sự dựa trên dữ liệu về hành vi, tình huống pháp lý... Đây cũng được xem như một trong những giải pháp quan trọng quá trình xây dựng Tòa án điện tử, thể hiện quyết tâm trong công cuộc chuyển đổi số của Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam
Dữ liệu hiện có trên hệ thống Trợ lý ảo tòa án gồm: 140.000 văn bản pháp luật từ các trang tra cứu luật; 300 câu hỏi trích từ công văn giải đáp của TANDTC các năm; 400 câu hỏi được tổ biên tập chuẩn hóa; 300 câu hỏi tham khảo khác từ các tòa án địa phương; 52 án lệ từ cổng thông tin điện tử TANDTC; 770.000 Bản án, quyết định được công bố trên cổng thông tin điện tử TANDTC; 300 Quyết định giám đốc thẩm được tổ biên tập chuẩn hóa nội dung…
Lộ trình phát triển Trợ lý ảo tòa án gồm 3 giai đoạn: Tra cứu - Văn bản và chỉ dẫn áp dụng pháp luật, giải đáp tình huống pháp lý, án lệ, bản án; Tích hợp - Hoàn thiện dữ liệu g1, tích hợp Trợ lý ảo với các phần mềm nghiệp vụ của TANDTC; Đoán định tư pháp - Cho phép đoán định tư pháp dựa trên các tình huống pháp lý nạp vào.
Bộ lọc