Xu hướng tài chính số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. "Lĩnh vực tài chính số còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam. Trong khi đây lại là nền tảng quan trọng trọng để phát triển trụ cột thứ ba - kinh tế số, giúp người người dân có thể trải nghiệm trọn vẹn các tiến bộ của chương trình chuyển đổi số quốc gia", ông Trương Quang Việt nhận định.
Kinh tế số là một trong ba trụ cột của chiến lược chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh Chính phủ số và xã hội số. Trong đó Chính phủ số và Xã hội số đã có những bước tiến vượt bậc, trong khi kinh tế số, với nền tảng chính là tài chính số còn tương đối dè dặt.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong năm 2020, nhờ cách làm mới, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng mạnh mẽ, đạt 30,86% (vượt mục tiêu 30%). Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương và địa phương. Người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công qua mạng, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính.
Xã hội số cũng dần thành hình, với sự ra mắt của các nền tảng giúp "đưa hoạt động của con người từ thế giới thực sang thế giới ảo". Năm 2020, chương trình chuyển đổi số cũng đạt được nhiều thành tựu. Điển hình, ngành Y tế, đã có hơn 1.500 điểm khám chữa bệnh từ xa được kết nối, phần mềm quản lý cơ sở y tế phủ trên 12.000 trạm y tế. Trong lĩnh vực Giáo dục, 53.000 trường học, 1,4 triệu giáo viên, 23 triệu học sinh sinh viên đã học trực tuyến trong giai đoạn Covid-19... Theo Cục Tin học hóa, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2020, đã có tổng cộng 38 nền tảng "Make in Vietnam" được ra mắt.
Nhà mạng lấy ý kiến nội bộ về dự án Mobile Money đầu năm 2021. Ảnh:Mạnh Hưng
Cũng theo ông Trương Quang Việt, trong năm 2020, các ngân hàng số, ví điện tử đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa đời sống của con người lên xã hội số nhanh hơn. Tuy nhiên, các dịch vụ này ngày càng phát triển, kéo theo khoảng cách số giữa các khu vực ngày càng chênh lệch. Bởi ở nhiều nơi, người dân còn chưa được tiếp xúc với việc thanh toán trực tuyến. Do đó, các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam cần tìm cách tiến về vùng sâu vùng xa.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có khoảng 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Nhóm 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng lại là những khách hàng khó tiếp cận nhất với ngân hàng và tổ chức tài chính.
Mobile Money là một hình thức thanh toán trên điện thoại, đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Nhờ giải pháp này, người dùng có thể thực hiện giao dịch trên mọi loại điện thoại, dễ dàng nạp/rút và thanh toán mọi nơi mà không cần không cần đến smartphone hay tài khoản ngân hàng.
Giao dịch Mobile Money đơn giản và có thể triển khai cả trên mạng 2G, 3G. Theo đó, việc triển khai Mobile Money sẽ góp phần đưa dịch vụ thanh toán điện tử sớm đến toàn bộ người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo ở Việt Nam. Theo đó, từ Mobile Money, người dân mọi nơi sẽ dễ dàng tiếp xúc với thương mại điện tử, làm quen với các dịch vụ tài chính số và hiểu hơn về kinh tế số.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, đại diện Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, những nền tảng cốt lõi phục vụ kinh tế số, xã hội số cần được tiếp tục hoàn thành, trong đó có Mobile Money. "Mỗi người dân sẽ được định danh, xác thực thông qua di động, thanh toán qua tài khoản di động, tiến hành các hoạt động thương mại, mua bán trên mạng", vị này chia sẻ.
Theo các chuyên gia, người dân ở những nơi càng khó khăn, càng phải chuyển đổi số. Mobile Money là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy việc này. Từ Mobile Money, người dân được tiếp xúc với thương mại điện tử, làm quen với các dịch vụ tài chính số và hiểu hơn về kinh tế số.
Vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Một số nhà mạng tại Việt Nam cũng sẵn sàng để triển khai Mobile Money. Trong đó, Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, và sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng.
Đại diện Viettel cho biết, ở đâu có sóng viễn thông, tại đó sẽ được triển khai các dịch vụ số và tiền di động. Khách hàng có thể sử dụng Mobile Money để thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng bằng điện thoại, dù không có tài khoản ngân hàng.
Với tổng số thuê bao di động trên 124 triệu, phủ sóng gần 100% các khu vực trên cả nước, Mobile Money hứa hẹn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế số Việt Nam đạt kế hoạch đề ra.
Bộ lọc