I. TÊN GỌI, ĐỊA CHỈ TRỤ SỞ CHÍNH, NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT

  • Tên doanh nghiệp: TẬP ĐOÀN VIỄN THÔNG QUÂN ĐỘI.
  • Mã số doanh nghiệp: 0100109106.
  • Địa chỉ: Số 1, đường Trần Hữu Dực, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
  • Người đại diện theo pháp luật:
    • Họ và tên: Nguyễn Mạnh Hùng
    • Chức danh: Tổng Giám đốc Tập đoàn
    • Sinh năm: 1962. Giới tính: Nam. Dân tộc: Kinh. Quốc tịch: Việt Nam

II. CƠ CẤU QUẢN LÝ, DANH SÁCH CÁC CÔNG TY DO DOANH NGHIỆP NẮM GIỮ TRÊN 50% VỐN ĐIỀU LỆ

1) Cơ cấu quản lý của Viettel gồm: Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc là các Ban chuyên môn nghiệp vụ.

2) Các đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty mẹ gồm:

  • Tổng công ty Mạng lưới Viettel.
  • Tổng công ty Viễn thông Viettel.
  • Công ty Bất động sản Viettel.
  • Công ty Truyền thông Viettel.
  • Học viện Viettel.
  • Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel.
  • Viện Hàng không vũ trụ Viettel.
  • Trung tâm An ninh mạng Viettel.
  • Trung tâm Đo lường chất lượng Viettel.
  • Trung tâm Giải pháp Công nghệ thông tin và viễn thông Viettel.
  • Trung tâm Không gian mạng.
  • Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng Viettel.
  • Trung tâm Phần mềm Viettel 1.
  • Trung tâm Thể thao Viettel.
  • Ban Quản lý các dự án.
  • 63 đơn vị phụ thuộc tại 63 tỉnh/thành phố: Viettel tỉnh/thành phố.

3) Các công ty thành viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội:

06 Công ty con do Viettel sở hữu 100% vốn điều lệ:

  • Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel.
  • Công ty TNHH một thành viên Thông tin M1.
  • Công ty TNHH một thành viên Thông tin M3.
  • Công ty TNHH một thành viên Đầu tư công nghệ Viettel.
  • Công ty Viettel America (tại Mỹ).
  • Công ty VTE Technologies Sarl (tại Pháp).

07 công ty con do Viettel sở hữu từ 50% đến dưới 100% vốn điều lệ:

  • Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel.
  • Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel.
  • Công ty cổ phần Công trình Viettel.
  • Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Viettel.
  • Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả.
  • Công ty TNHH hai thành viên Viettel - CHT.
  • Công ty Viettel Peru.

III. LỊCH SỬ HOẠT ĐỘNG

1. Những mốc lịch sử:

  • 01/6/1989 Thành lập Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin trực thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, Bộ Quốc phòng. Đây là dấu son lịch sử đánh dấu sự ra đời, và ngày 01/6 đã trở thành ngày truyn thống hàng năm của Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
  • 27/7/1993, căn cứ vào Thông báo số 198/TB ngày 13/7/1993 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thành lập lại doanh nghiệp Nhà nước, BQP ra quyết định số 336/QĐ-QP Thành lập Công ty Điện tử thiết bị thông tin, tên giao dịch là SIGELCO, trụ sở chính tại 16 Cát Linh, Hà Nội.
  • 14/7/1995 Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, BQP ra Quyết định số 615/QĐ-QP đổi tên Công ty Điện tử thiết bị thông tin thành Công ty Điện tử - Viễn thông Quân đội, tên giao dịch quốc tế là VIETEL (Lúc này cụm chữ chỉ có 01 chữ T).
  • 27/4/2004, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định số 51/QĐ-QP: từ 1/7/2004 điều chuyển Công ty Viễn thông Quân đội từ Binh chủng Thông tin Liên lạc về trực thuộc BQP với tên gọi Công ty Viễn thông Quân đội tên giao dịch là VIETTEL.
  • 02/3/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định thành lập TCT Viễn thông Quân đội. Đây là dấu ấn khẳng định bước phát triển mới của Tổng Công ty cả về quy mô, năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông (từ Công ty phát triển thành Tổng Công ty).
  • 06/4/2005, BQP có quyết định số 45/2005/BQP về việc thành lập TCT VTQĐ, tên giao dịch quốc tế tiếng Anh là VIETTEL CORPORATION, viết tắt là VIETTEL.
  • 14/12/2009 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 2078/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội và Quyết định số 2079/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

2. Các mốc phát triển các dịch vụ kinh doanh bưu chính viễn thông:

  • Tháng 7/1997, Triển khai dịch vụ Bưu chính.
  • Tháng 10/2000, Triển khai DV điện thoại đường dài 178, công nghệ VoIP.
  • Tháng 10/2002, Khai trương dịch vụ Internet.
  • Tháng 9/2003, Triển khai dịch vụ điện thoại cố định.
  • Tháng 10/2004, Khai trương dịch vụ Điện thoại Di động.
  • Tháng 3/2007, Triển khai dịch vụ Điện thoại cố định không dây.
  • Tháng 3/2010, Khai trương dịch vụ 3G tại Việt Nam.
  • Tháng 4/2017, Khai trương dịch vụ 4G tại Việt Nam.
  • Các mốc thời gian khai trương tại các thị trường nước ngoài: Mạng Metfone tại thị trường Cambodia (Tháng 02/2009); Mạng Unitel tại thị trường Lào (Tháng 10/2009); Mạng Natcom tại thị trường Haiti (Tháng 9/2011); Mạng Movitel tại thị trường Mozambique (Tháng 5/2012), Mạng Telemor tại thị trường Đông Timor (Tháng 3/2013); Mạng Nexttel tại thị trường Cameroon (Tháng 9/2014); Mạng Bitel tại thị trường Peru (Tháng 10/2014); Mạng Lumitel tại thị trường Burundi (Tháng 3/2015); Mạng Halotel tại thị trường Tanzania (Tháng 10/2015). Riêng trong năm 2016 đã tích cực hoàn thiện các thủ tục tham gia đấu thầu và lấy thành công giấy phép kinh doanh viễn thông tại thị trường Myanmar (Tháng 12/2016), đánh dấu thị trường thứ 10 của Viettel tại nước ngoài với quy mô dân số đạt 235 triệu dân sau 10 năm thực hiện chiến lược đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ  IX của Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

IV. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN DÀI HẠN (GIAI ĐOẠN 2016-2020)

Mục tiêu tổng quát: Xây dựng Tập đoàn trở thành Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông toàn cầu, là một trong 20 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới.

  • Hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu (Doanh thu từ 400.000 – 500.000 tỷ đồng; Lợi nhuận từ 70.000 - 90.000 tỷ đồng; Năng suất lao động (doanh thu trừ chi phí chưa lương) 3 - 4 tỷ đồng/người/năm; Thu nhập bình quân lao động trong danh sách từ 40 - 50 triệu đồng/người/tháng; Đầu tư quốc tế với vùng phủ thị trường từ 500 - 600 triệu người).
  • Công tác quản lý: Cải cách hệ thống cơ chế chính sách để phù hợp với mô hình tổ chức của Tập đoàn toàn cầu. Chuyển dịch công tác quản lý từ đánh giá kết quả sang đánh giá năng suất, chất lượng, hiệu quả.
  • Hoàn thành tăng vốn điều lệ Tập đoàn lên 300.000 tỷ đồng theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2015 – 2020.
  • Viễn thông trong nước: Đưa dịch vụ viễn thông – CNTT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sự bùng nổ thứ 2 trong lịch sử ngành viễn thông – CNTT Việt Nam.
  • Viễn thông nước ngoài: Đứng trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đầu tư ra nước ngoài về viễn thông - CNTT.
  • Nghiên cứu sản xuất: Phát triển lĩnh vực nghiên cứu sản xuất để trở thành Tập đoàn công nghiệp, sản xuất thiết bị viễn thông công nghệ cao.
  • Công nghệ thông tin: Hoàn thành dự án Chính phủ điện tử; Làm chủ không gian mạng, đảm bảo an ninh Quốc gia.

V.  KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU NĂM 2016, MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU NĂM 2017

1. Kết quả thực hiện mục tiêu năm 2016:

a) Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu (ĐVT: triệu đồng)

STT CHỈ TIÊU TOÀN TẬP ĐOÀN CÔNG TY MẸ
1 Tổng Doanh thu 225.800.255 169.451.288
2 Lợi nhuận trước thuế 39.091.030 43.174.021
3 Lợi nhuận sau thuế 30.282.469 34.906.477
4 Vốn chủ sở hữu 116.458.559 121.521.930
5 Nộp Nhà nước 40.224.549 39.136.583
6 Thu nhập bình quân người lao động (Triệu đồng/người/tháng) 30 31

* Vốn điều lệ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội: 111.025 tỷ VNĐ.

b) Nhiệm vụ trọng tâm:

Công tác Đảng, công tác Chính trị:

  • Tổ chức thành công Đại hội Phụ nữ các cấp và Đại hội Đại biểu Phụ nữ Tập đoàn lần thứ VI (2016 -2021): Bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục với tỷ lệ tín nhiệm cao; được TW Hội Phụ nữ Việt Nam, các cơ quan nghiệp vụ Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Tập đoàn, các cơ quan, đơn vị và toàn thể đại biểu ghi nhận, đánh giá cao cả về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội, góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu Viettel, góp phần cổ vũ động viên, khích lệ cán bộ hội viên phụ nữ nói riêng và CBCNV toàn Tập đoàn nói chung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016 và các năm tiếp theo.
  • Tổ chức thành công Vòng chung kết Viettel World 2016: Mang lại giá trị tinh thần, ý nghĩa nhân văn vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, gắn kết các thành viên trong đại gia đình Viettel trên toàn cầu được lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam, đại diện Đại sứ quán các nước Viettel đầu tư, các cơ quan Bộ Quốc Phòng ghi nhận đánh giá cao.
  • Tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 10 năm Viettel đầu tư ra nước ngoài: Lần đầu tiên tổ chức sự kiện với quy mô lớn nhất có sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các Bộ/Ban/ngành TW, TP Hà Nội, Đại sứ quán các nước Viettel đầu tư kinh doanh, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, có tính lan tỏa sâu rộng, khích lệ tinh thần Người Viettel tiếp tục theo đuổi sự nghiệp đầu tư quốc tế của Tập đoàn.

Công tác điều hành, quản lý:

  • Viettel đã nghiên cứu, xây dựng, triển khai thành công giải pháp giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ mạng cố định băng rộng đến từng khách hàng; Triển khai phần mềm tự động quá trình tác động mạng lưới, giảm thiếu tối đa sự cố do con người gây ra; Đã di động hóa (mobility) các công cụ phục vụ công việc hàng ngày, cho nhân viên kỹ thuật và nhân viên kinh doanh tuyến huyện; Đảm bảo công cụ hỗ trợ nghiệp vụ của các ngành trong Tập đoàn; Tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT vào lĩnh vực: Hải quan, Y tế, Giáo dục. Năm 2016 Viettel đạt giải vàng và là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đạt giải cao về CNTT thế giới.
  • Năm 2016 Viettel tiếp tục là Tập đoàn kinh tế hàng đầu tại Việt Nam, đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước.

Kinh doanh viễn thông:

  • Mạng lưới được đầu tư lớn và đang chuyển dịch nhanh sang mạng băng rộng và siêu rộng, một hạ tầng viễn thông mới được hình thành và tạo nền tảng cho một xã hội sáng tạo. Đã chuyển đổi mô hình kinh doanh viễn thông hướng tới khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm. Đã nhận giấy phép kinh doanh 4G tại Việt nam sẵn sàng tạo sự bùng nổ viễn thông thứ 2 tại Việt nam. Triển khai thành công chuỗi chương trình CSKH, xây dựng niềm tin của khách hàng đối với Viettel, tạo hiệu ứng lan tỏa về một Viettel tử tế, quan tâm tới khách hàng. Hạ tầng CĐBR được đầu tư mới, chất lượng được nâng lên;
  • Xúc tiến thành công và nhận giấy phép kinh doanh tại Myanmar đưa số nước Viettel đã đầu tư ở nước ngoài là 10 nước, với 235 triệu dân; cán mốc 35 triệu thuê bao khách hàng quốc tế, nằm trong top 30 hãng viễn thông lớn nhất thế giới về người dùng.

Công tác nghiên cứu sản xuất:

Viettel đã làm chủ sản xuất các thiết bị lõi của mạng viễn thông, đã sản xuất thành công phiên bản 1.0 của trạm phát sóng 4G.

c) Kết quả sắp xếp đổi mới doanh nghiệp:

Sắp xếp, kiện toàn, tái cơ cấu các đơn vị thành viên:

Dưới sự điều hành triệt để, sâu sát của Ban lãnh đạo Tập đoàn, Viettel đã chủ động cải cách từ nội bộ, đảm bảo tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh gọn từ Tập đoàn đến cấp đơn vị cuối cùng trong hệ thống. Cụ thể: Kiện toàn lại khối Viễn thông trong nước, khối Công nghệ thông tin và một số đơn vị cho phù hợp với mục tiêu, định hướng, chiến lược của Tập đoàn. Bên cạnh đó thành lập mới một số phòng, ban cơ quan Tập đoàn, hình thành Bộ phận Dịch vụ dùng chung cho phù hợp với mục tiêu quản trị, điều hành.

Thoái vốn nhà nước:

Trong năm 2016, đã hoàn thành toàn bộ thủ tục thoái vốn tại Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPay), giá trị thu về bảo toàn vốn và có thặng dư.

d) Trách nhiệm xã hội:

Năm 2016, Viettel tiếp tục thực hiện và tham gia nhiều Chương trình hỗ trợ về xã hội, lan tỏa sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực như:

  • Phối hợp với UBND 3 huyện nghèo (Mường Lát, Bá Thước/Thanh Hóa; Đakrông/Quảng Trị) triển khai các nội dung cam kết theo chương trình 30a của Chính phủ (giai đoạn 2015-2016): Trích kinh phí hơn 14 tỷ đồng xây và xóa 243 nhà tạm hộ nghèo; trao 4,369 tỷ đồng, tặng 257 Bò sinh sản cho hộ nghèo; Hoàn thành hệ thống truyền thanh không dây tới thôn, xã tại Mường Lát/Thanh Hóa; Hoàn thành xây dựng trạm y tế Cổ Lũng tại Bá Thước/Thanh Hóa và trạm y tế Đakrông/Quảng Trị;
  • Trích kinh phí hơn 26 tỷ đồng tiếp tục triển khai Chương trình "Vì em hiếu học" hỗ trợ 26.380 học sinh nghèo vượt khó tại hơn 2.638 xã nghèo trên toàn quốc. Phát động quyên góp được hơn 12 tỷ đồng do mỗi CBCNV ủng hộ một ngày lương giúp đồng bào Miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) bị thiệt hại mưa lũ đầu tháng 10/2016. Trích kinh phí hơn 23 tỷ hỗ trợ Chương trình cung cấp truyền hình số cho 9.997 hộ nghèo và cận nghèo triên địa bàn Thành phố Hà Nội. Tổng kinh phí do Tập đoàn tổ chức, tham gia các hoạt động chính sách, xã hội, từ thiện, tri ân cộng đồng năm 2016 là 206,2 tỷ đồng.

2. Phương hướng nhiệm vụ năm 2017:

  • Xây dựng giải pháp, chương trình hành động cụ thể để thực hiện đảm bảo kế hoạch năm 2017 đồng thời là tiền đề để thực hiện thành công chiến lược đến năm 2020: Doanh thu hợp nhất: 241,6 nghìn tỷ đồng, Lợi nhuận trước thuế hợp nhất: 39,8 nghìn tỷ đồng; Thu nhập bình quân Tập đoàn hợp nhất: 30,1 triệu đồng/người/tháng;
  • Hoàn thiện dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức, hoạt động của Tập đoàn và đổi tên Tập đoàn thành Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội;
  • Triển khai mạng 4G tại Việt Nam, thay thiết bị mạng lõi bằng thiết bị do Tập đoàn sản xuất;
  • Xây dựng lại đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó chú trọng cơ cấu lại hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung công bố thông tin của Tập đoàn Viễn thông Quân đội kính báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trân trọng./.

Ngày đăng tải: 20/06/2017

Báo cáo công bố thông tin 2016

Ngày không hợp lệ,

Báo cáo công bố thông tin 2016

Xem thêm Xem thêm
Thư viện
THỜI GIAN TỪ
ĐẾN
CHỦ ĐỀ
Định dạng
Thư viện

Bộ lọc

công ty thành viên