Ông Varun Mittal - nguyên phó chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, lãnh đạo Fintech tại thị trường mới nổi EY Global cho biết, thanh toán không tiền mặt đang bùng nổ tại Việt Nam nhờ ưu điểm nhanh và tiện dụng. Bên cạnh đó, Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến giao dịch trực tuyến tăng cao. Theo số liệu công ty nghiên cứu dữ liệu Statista, thị trường thanh toán số của Việt Nam dự kiến đạt 15 tỷ USD vào năm 2021, trong khi tổng giá trị giao dịch sẽ tăng 15%, lên 26 tỷ USD vào năm 2025.
Số liệu của Ngân hàng nhà nước cho thấy, Việt Nam hiện có 43 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên thị trường, trong đó chiếm đa phần là cung ứng dịch vụ ví điện tử, ngoài ra là các dịch vụ cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ và cung cấp dịch vụ chuyển tiền điện tử. Tuy nhiên, theo ông Varun Mittal, hạn chế của dịch vụ ví điện tử là vẫn cần kết nối với ngân hàng để nạp tiền nên chưa thể phổ cập thanh toán không tiền mặt tới toàn dân. Đây cũng là vấn đề cần được giải quyết trong tương lai.
Đánh giá về các hình thức giao dịch không tiền mặt, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia kinh tế, cán bộ ban Pháp chế phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam nhận định, dịch vụ Mobile Money đang được thí điểm sẽ bổ sung hình thức thanh toán mới cho người dân và doanh nghiệp, nhất là giao dịch giá trị nhỏ và tại vùng sâu, vùng xa. Đây là hình thức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
"Mobile Money có lợi thế là ngay khi đi vào triển khai đã có số lượng khách hàng lên đến hàng chục triệu tài khoản, số lượng điểm dịch vụ lớn, trải khắp cả nước. Đây là lợi thế mà các dịch vụ khác không dễ gì có được", ông Nguyễn Minh Đức nói.
Thống kê của Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA) năm 2019 cho thấy, Mobile Money được sử dụng phổ biến ở 95 quốc gia, với hơn 2 tỷ USD giao dịch mỗi ngày, số người tiếp cận đại lý chuyển tiền cao gấp 7 lần ATM. Hình thức dùng tài khoản viễn thông để thanh toán này được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi nền tài chính trên thế giới trong tương lai.
Ông Trương Quang Việt - Tổng Giám đốc Viettel Digital (VDS) cho biết công ty đã chuẩn bị nhiều phương án về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ, chăm sóc khách hàng, quản trị rủi ro và quản lý chất lượng, hướng đến mục tiêu lấy trải nghiệm và quyền lợi khách hàng làm trọng tâm. Cụ thể, doanh nghiệp này đã thử nghiệm Mobile Money trong nội bộ 40.000 nhân viên, với các giao dịch nhỏ từ cuối năm 2020. Công ty cũng đưa Mobile Money ra 6 thị trường nước ngoài. Theo ông Việt, đây là nền tảng giúp VDS sẵn sàng bước vào đường đua công nghệ tài chính khi có giấy phép trong tay.
Viettel đã thử nghiệm Mobile Money trong nội bộ 40.000 nhân viên.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho việc tham gia vào lĩnh vực hoàn toàn mới, đại diện MobiFone cho biết đã tuyển dụng một số chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ví điện tử. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt, dẫn dắt đội ngũ trong quá trình triển khai dịch vụ này.
Với lợi thế hàng chục nghìn điểm giao dịch hiện hữu, các công ty viễn thông cung cấp dịch vụ Mobile Money cho biết sẽ thực hiện các chính sách hợp lý dành cho đơn vị đăng ký triển khai điểm chấp nhận thanh toán, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Các nhà cung cấp viễn thông cũng đảm bảo độ phủ thuê bao, giúp khách hàng thanh toán thuận tiện hơn.
Việc triển khai thí điểm Mobile Money tại Việt Nam sẽ kéo dài trong hai năm, tính từ ngày 9/3. Việc tạo ra cuộc cách mạng thanh toán ở Việt Nam là kỳ vọng mà giới chuyên môn dành cho Mobile Money. Đại diện Viettel đánh giá, điều này hoàn toàn có thể thực hiện khi nhìn về kết quả thành công của Mobile Money tại các quốc gia trên thế giới như Kenya, Indonesia...
"Với ưu điểm nhận tiền, lưu trữ, thanh toán trên điện thoại ở bất kỳ nơi nào có sóng di động, Mobile Money sẽ là giải pháp cho thanh toán điện tử ở những vùng sâu, vùng xa, nơi chi nhánh ngân hàng hay Internet chưa tới", đại diện Viettel nói.
Đồng thời, những lợi thế về số lượng thuê bao, điểm dịch vụ cũng trở thành cơ sở để các nhà cung cấp Mobile Money cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dùng. Nhà cung cấp dịch vụ kỳ vọng Mobile Money sẽ trở thành "ví tiền lẻ" quen thuộc, được sử dụng cho những nhu cầu đời thường nhất của người dân trong hai năm thử nghiệm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đức nhận định, đây là giai đoạn cần đẩy mạnh số lượng người dùng thay vì quan tâm đến lợi nhuận. Cụ thể, nhà cung cấp có thể triển khai các chương trình khuyến mãi để tăng số lượng người dùng nhanh nhất, tạo thói quen sử dụng thường xuyên.
Các nhà cung cấp dịch vụ cũng đã lường tính đến những khó khăn, nhưng vẫn tự tin đưa Mobile Money vào từng ngõ ngách dựa trên kinh nghiệm khai thác mạng viễn thông trước đó. Ông Nguyễn Minh Đức nhận định việc mở ra các hình thức thanh toán mới như ví điện tử và Mobile Money là xu thế tất yếu. Cùng với đó, cần đặt ra mục tiêu dùng những hình thức thanh toán này để thay thế phần lớn giao dịch tiền mặt đang có hiện nay.
Nguồn: VnExpress
Filter